Việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung
Tại hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức vừa qua. Các chuyên gia nhận định, việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, nâng hạng TTCK trước năm 2025 là mục tiêu rất thách thức.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thời gian qua, Bộ Tài chính, UBCKNN đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy lộ trình nâng hạng của TTCK Việt Nam. Dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí cần tiếp tục được hoàn thiện, cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, tổ chức và thành viên thị trường.
Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN tích cực thực hiện các giải pháp liên quan đến phát triển TTCK, trong đó có nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, UBCKNN cho biết, Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi.
Việc Việt Nam chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề cần cải thiện chính là tăng cường quyền tiếp cận thông tin một cách công bằng và minh bạch cho nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh và nâng cao chất lượng thông tin công bố của các DN trên thị trường.
Nghiên cứu thị trường của World Bank cho thấy, chỉ khoảng 10% trang chủ của các Cty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và đa phần các Cty này là Cty vốn hóa lớn. Về mức độ dễ hiểu của thông tin, 2021-2025 là giai đoạn các DN Việt Nam tự nguyện áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS trước khi bắt buộc áp dụng từ sau năm 2025.
Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi còn chậm. Theo khảo sát của Deloitte, trong số các DN hiện đang áp dụng IFRS, chỉ có khoảng 30% áp dụng đầy đủ chuẩn mực của IFRS, 70% còn lại chỉ thực hiện các bút toán chuyển đổi khi lập và trình bày báo cáo tài chính.
Theo TS. Cấn Văn Lực, khảo sát trên thế giới cho thấy, trong trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư không thanh toán chỉ có 2%, tương đương mức tổn thất khoảng 3 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực đề xuất 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro: Một là, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót.
Hai là, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử phạt 1.000 - 5.000 USD, hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền. Ba là, tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán (CTCK) để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, CTCK được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không. Đặc biệt, CTCK được phép đưa ra cơ chế xử lý rủi ro, được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp họ không thể thanh toán.
Về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Đặng Hồng Quang, Trưởng Đại diện văn phòng Hà Nội, VinaCapital cho biết, hiện tại, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, đang có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
VinaCapital kiến nghị giảm bớt số lượng ngành nghề ở trong danh sách này đối với những ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những DN đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ở góc độ DN là đại diện các tập đoàn niêm yết lớn như Vinamilk, FPT đánh giá mục đích sâu xa của nâng hạng là nâng cao chất lượng của TTCK Việt Nam, thể hiện ở quy mô và tính minh bạch của thị trường, hai yếu tố bền vững giữ chân nhà đầu tư nước ngoài lâu dài.
Vì vậy, không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước, mà bản thân các DN cần ý thức và nâng cao công tác minh bạch công bố thông tin. Cùng với đó, các đại diện DN cũng đề cập nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác công bố thông tin của Cty niêm yết, như phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực, đạo đức của người hành nghề chứng khoán...
"Chúng ta cần tự do hóa hơn dịch chuyển dòng vốn và giao dịch ngoại hối. Cần nâng tính hấp dẫn của tiền đồng, để tiền đồng tự do chuyển đổi hơn cả trong và ngoài nước. Cuối cùng, mong UBCKNN đề xuất có đề án"“lấp lại" những khoảng trống chúng ta còn thiếu. Đâu đó chúng ta có những kế hoạch nhưng chưa có đề án cụ thể", TS Cấn Văn Lực nói.
Tài Chính Xuyên Việt - Kinhtedothi
Comments 0