Những ngày vừa qua, vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh “bạo lực ngược”, thậm chí ném dép vào đầu dẫn đến ngất xỉu khiến dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ.
Những ngày vừa qua, vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh “bạo lực ngược”, thậm chí ném dép vào đầu dẫn đến ngất xỉu khiến dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ.
Tối 4/12, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh nhiều nam học sinh Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) có hành vi dồn nữ giáo viên vào góc lớp chửi bới, xúc phạm. Có học sinh còn có động tác nằm lăn ra đất để “vu oan” cho giáo viên có hành vi không phải với mình, kèm với đó là những tiếng chửi tục. Đỉnh điểm, cô giáo còn bị ngất xỉu khi bị học sinh ném dép vào đầu. Vụ việc xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 29/11. Đoạn clip khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ về các hành vi cũng như lời chửi tục của nhiều nam học sinh trên.
UBND huyện Sơn Dương đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Duy Sáng - Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú để phục vụ cho công tác kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên, học sinh xảy ra tại trường.
Theo TS Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi có hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của học sinh mà nhà trường, giáo viên quán triệt ngay, có những lời nói thái độ phù hợp, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp thì sẽ ngăn chặn được hành vi vi phạm, giảm bớt được những hậu quả xấu có thể xảy ra tiếp theo. Với các học sinh THCS vi phạm kỷ luật thì cần phải áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp với quy định của pháp luật, không bênh vực những học sinh hư. Bởi vậy trong vụ việc này cần phải đánh giá sự việc một cách khách quan, toàn diện, cần phải có thông tin đầy đủ chính xác từ phía cơ quan chức năng thì mới có thể kết luận chính xác và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong môi trường học đường, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh đảm bảo nơi làm việc thuận lợi, có văn hoá cho giáo viên và môi trường học tập văn minh hướng thiện đối với học sinh.
“Để xảy ra sự việc lộn xộn như vậy thì có phần trách nhiệm của giáo viên, lãnh đạo nhà trường và của phụ huynh, học sinh. Cần xem xét xử lý kỷ luật đối với các học sinh đã vượt quá chuẩn mực đạo đức khi có những lời lẽ xúc phạm, hành vi vô lễ đối với giáo viên. Về nguyên tắc là bên nào có lỗi thì phải xử lý bên đó, lỗi của giáo viên đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm đến đó. Còn về phía học sinh vô lễ, có thái độ không đúng mực với giáo viên thì cũng cần xem xét xử lý kỷ luật”, TS.Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn Giáo dục tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Sơn Dương kiên quyết xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đề nghị công đoàn giáo dục các tỉnh, TP đề xuất, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp giáo dục học sinh, thực hiện kỷ cương trường học, kỷ luật học đường; thực hiện nghiêm phương châm "Thầy ra thầy - Trò ra trò" trong các nhà trường.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam chỉ đạo công đoàn các trường học rà soát thông tin, nắm bắt các vấn đề nảy sinh, kịp thời can thiệp, giải tỏa, chấn chỉnh để không xảy ra các hiện tượng vi phạm quy định đạo đức nhà giáo, các hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật, cần có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của nhà giáo, người lao động, tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về "Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới".
Các đơn vị cần tập trung hỗ trợ giáo viên có năng lực nghề nghiệp vững vàng; có kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm; có trách nhiệm bảo vệ danh dự cá nhân và uy tín, danh dự của nhà trường, của ngành giáo dục.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình (ĐH Sư phạm Hà Nội), hành vi của các em học sinh trong vụ việc trên là điển hình của bạo lực thể chất đối với giáo viên, hoàn toàn không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của học trò và cũng bộc lộ sự bất lực của giáo viên. Về phía Trường THCS Văn Phú, theo thông tin ban đầu thì giữa cô giáo và học sinh đã có xung đột, ứng xử lệch chuẩn từ trước nhưng đáng tiếc là nhà trường chưa có các biện pháp hiệu quả để phòng ngừa sự việc tương tự có thể xảy ra. Đây là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc ngày 29/11. Về phía các em học sinh trong vụ việc, các em đang ở độ tuổi thay đổi tâm, sinh lý, còn nhiều hạn chế về kiểm soát cảm xúc, phân tích, xử lý, giải quyết tình huống, tìm kiếm sự trợ giúp, sử dụng mạng xã hội,… cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ việc.
PGS.TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng vụ việc cho thấy cần chú trọng hơn nữa đến việc giáo dục văn hóa, đạo đức trong nhà trường, với sự vào cuộc của cả học sinh, giáo viên, phụ huynh, nhân viên, cán bộ quản lý, đặc biệt, cần ưu tiên rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Việc các trường học có chuyên viên tư vấn tâm lí và công tác xã hội để hỗ trợ các vấn đề mà học sinh có thể gặp phải là rất cần thiết. PGS.TS Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh cần kết nối các bên gia đình, nhà trường, xã hội cùng vào cuộc, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, văn minh, từ đó phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Comments 0