Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) vừa mới thông tin về đề xuất thí điểm giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng trong năm nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) vừa mới thông tin về đề xuất thí điểm giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng trong năm nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) vừa mới thông tin về đề xuất thí điểm giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng trong năm nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương đã có văn bản giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế giá bán điện hai thành phần. Đồng thời yêu cầu EVN đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện sẽ được áp dụng.
Theo các chuyên gia, cơ chế giá điện hai thành phần được hiểu là bao gồm giá công suất và điện năng. Có nghĩa, trong hóa đơn tiền điện sẽ hiển thị hai thành phần tính giá điện gồm giá công suất, được khách hàng đăng ký theo gói công suất gắn với nhu cầu sử dụng.
Thành phần thứ hai là giá điện năng gắn với lượng điện thực tế sử dụng. Khách hàng cũng có thể hiểu một cách đơn gian rằng, cơ chế giá điện hai thành phần giống với gói cước điện thoại mà hiện các nhà mạng đang áp dụng.
Cũng theo các chuyên gia, giá điện một thành phần (chỉ tính phần điện năng) hiện đang được áp dụng tại nước ta có ưu điểm là đơn giản, dễ áp dụng cho mọi đối tượng và cũng dễ quản lý tiền điện.
Tuy nhiên, nhược điểm của cách tính này lại khá nhiều, như: chưa phản ánh hết được những tác động của người tiêu dùng đến giá điện, đặc biệt là những người tiêu dùng điện lớn, làm ảnh hưởng tới tổng công suất và làm tăng chi phí giá điện tính chung dành cho người tiêu dùng;
Đồng thời, giá điện một thành phần chưa giúp chủ đầu tư hoàn vốn, đặc biệt là những nhà đầu tư nào không bán được điện thì coi như không có dòng tiền thu về. Mặt khác, cơ chế giá điện như hiện nay sẽ khiến người tiêu dùng sử dụng điện sinh hoạt phải bù chéo sản xuất của doanh nghiệp (tức là người dùng nhiều bù cho dùng ít).
Còn theo Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá Việt Nam, Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất sớm triển khai cơ chế giá điện hai thành phần vì có các ưu điểm, đó là: giá điện hai thành phần sẽ phát ra những tín hiệu cho nhà sản xuất đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và chi phí vận hành. Bên cạnh đó, người sử dụng điện biết được chi phí sử dụng điện để điều chỉnh hành vi sử dụng điện sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất.
Giá điện hai thành phần góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện thực hiện có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ. Đặc biệt, biểu giá điện hai thành phần giúp cân bằng phụ tải cho hệ thống. Cơ chế này giúp các hộ sử dụng điện sử dụng ổn định hơn, các phụ tải cũng ổn định hơn mọi thời điểm.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, hiện tại, việc áp dụng giá điện hai thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt. Sau khi thí điểm, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.
Việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện hai thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện, do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành.
Bộ Công Thương cho biết việc thí điểm nhằm đánh giá, tính toán các khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần khi áp dụng phù hợp với thực tế.
Hiện nay, hạ tầng ngành điện gồm: công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm... đã sẵn sàng cho phép việc áp dụng biểu giá hai thành phần. Cùng với đó, các Tổng Công ty Điện lực đã áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh.
Cục Điều tiết Điện lực cũng cho rằng việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện.
Vì vậy, sẽ phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy, bên cạnh việc tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ áp dụng và giai đoạn thí điểm thật nhằm tổng kết đánh giá ưu nhược điểm, rút ra bài học của cơ chế mới trước khi áp dụng cơ chế, chính sách mới rộng rãi vào cuộc sống.
Comments 0